Từ một đôi giày có mẫu mã và chức năng khiêm tốn, giày thể thao (sneakers) dần bứt phá, trở thành nền văn hóa mở cho những người trẻ, năng động và thích khám phá.
Để nói về tầm quan trọng của những đôi giày thể thao (sneakers) trong cuộc sống hiện đại, chỉ có thể tóm gọn trong hai chữ: văn hóa. Văn hóa giày sneakers thể hiện lối sống và cách suy nghĩ có phần linh hoạt, cởi mở hơn mà đại đa số người tham gia là giới trẻ.
Là một phần của thời trang, giày cũng đồng thời là “chứng nhân lịch sử” cho mọi sự chuyển động và đổi mới của cuộc sống.
Ngày xửa ngày xưa
“Cụ kị” của những đôi sneakers ngày nay ban đầu chỉ là một thiết kế giày đơn giản, chủ yếu để bảo vệ bàn chân nên đế được làm bằng cao su, phần thân được may bằng vải, và cũng chẳng có sự phân biệt hai bên phải và trái.
Charles Goodyear là người đầu tiên đăng ký bản quyền cho quy trình lưu hóa cao su, giúp đế giày kết dính với phần thân trên tốt hơn.
Năm 1892, một công ty cao su Mỹ đã nghiên cứu sản xuất ra giày Keds, cũng có cấu tạo đế cao su nhưng thân giày được thay thế bằng vải bố.
Trong khoảng 20 năm sau khi ra đời, Keds vẫn là cái tên khá khiêm tốn trên thị trường. Bước ngoặt chỉ thật sự mở ra khi Marquis Converse vào cuộc. Năm 1917, Converse All-Stars, đôi giày đầu tiên được ông thiết kế đặc biệt cho dân bóng rổ ra đời.
Chỉ ít lâu sau, cú bắt tay giữa Converse và ngôi sao bóng rổ Chuck Taylor năm 1923 đưa thị trường giày thể thao lên một tầm cao mới, dẫn đầu trào lưu kết hợp giữa thương mại và thể thao, đồng thời biến Chuck Taylor All-Stars trở thành một trong những “ngôi sao” của mọi thời đại.
Đôi Converse All-Stars đầu tiên năm 1917. Cho tới ngày nay, Converse All-Stars vẫn được giới trẻ săn đón và thường xuyên xuất hiện trên mọi con phố.
Người tiếp theo nhảy vào khi “cuộc chiến” còn trong giai đoạn manh nha là Adi Dassler – người sáng lập ra thương hiệu Adidas danh tiếng khắp thế giới. Không gắn liền với bóng rổ, những đôi Adidas đầu tiên được vận động viên điền kinh Jessie Owens mang khi giành 4 huy chương vàng liên tiếp tại Olympic 1936. Người anh ruột của Adi là Rudi Dassler không lâu sau cũng tạo ra Puma, đẩy cuộc đua giữa các “ông trùm” lên cao trào.
Vào thập niên 50, những người trẻ bắt đầu đưa sneakers thành biểu tượng mới của thời trang, của văn hóa đương đại sau khi cảm mến phong cách của diễn viên James Dean trong phim ‘Rebel without a cause.’
Sneakers trong cuộc sống hiện đại
Khi đã trở thành một phần trong phong cách ăn mặc và trải nghiệm của mọi người, những đôi sneakers cũng dần được đón nhận, được ưa chuộng hệt như những chiếc túi xách hay những thỏi son.
Những thương hiệu giày danh tiếng không chỉ đơn thuần cạnh tranh về hình ảnh của những ngôi sao đại diện, họ còn liên tiếp tạo ra đột phá về công nghệ lẫn thẩm mỹ, sắc vóc cho từng mẫu giày được ra mắt. Các tín đồ thời trang có thêm nhiều sự lựa chọn đa dạng cho phong cách của mình.
Nếu giày cao gót mang niềm kiêu hãnh, tự tôn của phái đẹp thì một đôi sneakers thời trang giúp nới lỏng nhịp sống bận rộn của nàng. Có người từng nói rằng, muốn đẹp thì phải chịu khó hy sinh sự thoải mái (để “cưỡi” trên những đôi giày cao gót) nhưng những quý cô hiện đại, độc lập đã phản bác lại hết sức thuyết phục quan niệm ấy với những đôi sneakers của mình.